NGHỆ NHÂN ƯU TÚ ĐINH VĂN THỨC – BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HÁT THEN DÂN TỘC

Dưới ánh trăng bàng bạc của núi rừng Tây Bắc, những giai điệu ngọt ngào của hát then và tiếng đàn tính vang lên, đem theo hương vị đặc trưng của văn hóa Tày, Nùng. Nghệ thuật hát then và đàn tính không chỉ là những màn biểu diễn tinh tế, mà còn là linh hồn, là hơi thở của cộng đồng người Tày, Nùng. Với những câu hát mượt mà, đầy cảm xúc, kết hợp cùng âm thanh trầm bổng của đàn tính, nghệ thuật này đã và đang góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, mang đến cho người nghe những trải nghiệm âm nhạc sâu lắng, đậm chất bản địa.
Chân dung Nghệ nhân UT Đinh Văn Thức

Tầm Quan Trọng Của Nghệ Nhân Trong Việc Bảo Tồn Văn Hóa Truyền Thống

Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, vai trò của các nghệ nhân vô cùng quan trọng. Họ là những di sản sống, lưu giữ và truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Nghệ thuật hát Then không chỉ là một phần trong đời sống tín ngưỡng mà còn là một phần không thể thiếu trong tâm hồn của người Tày, Nùng ở Việt Bắc và người Thái ở Tây Bắc. Then không chỉ bao gồm hát mà còn có múa, trò diễn, văn học, nghi lễ và trang trí mỹ thuật, tạo thành một hình thức diễn xướng đặc sắc gắn bó với các dân tộc Tày, Nùng, Thái từ bao đời nay.

Lớp học của nghệ nhân Đinh Văn Thức đủ mọi lứa tuổi, đều say mê với bộ môn hát then, đàn tính ( nguồn VTV1 )

Mỗi nghệ nhân Then giống như một nghệ sĩ thực thụ. Họ không chỉ thuộc và hiểu các làn điệu, câu ca, thậm chí là chữ Hán để đọc các sách Then bằng chữ Tày – Hán, mà còn thành thạo trong việc sử dụng nhạc cụ như cây đàn Tính, chùm xóc nhạc (xáu mạ), đôi khi còn sử dụng chuông đồng và tạo âm thanh từ động tác bật quạt. Qua nhiều năm gắn bó với Then qua những thăng trầm, các nghệ nhân đã trở thành những “kho tàng sống”, những “báu vật” vô giá của văn hóa dân tộc. Họ luôn ý thức được trách nhiệm giữ cho Then không bị mai một, không bị lai căng, để bảo tồn những tinh hoa của văn hóa Tày, Nùng nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung.

Nghệ Nhân Đinh Văn Thức Và Tình Yêu Đối Với Then

Nghệ nhân Đinh Văn Thức, sinh năm 1971 tại Minh Thanh, Nguyên Bình, Cao Bằng, từ nhỏ đã yêu thích hát Then. Anh học hỏi từ các ông, bà trong gia đình có truyền thống làm nghề giàng (Then). Hiện tại, anh Thức vẫn giữ được nhiều trang phục mũ, áo truyền thống và các cuốn sách Then cổ. Anh chia sẻ: “Tôi rất yêu hát Then, tôi hay sưu tầm và lưu giữ sách hát Then cổ, sách cúng mừng thọ bằng chữ Nôm – Tày.” Đây là những tư liệu quý để các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa của Then.

Đinh Văn Thức là một trong số ít những nghệ nhân được vinh dự diễn xướng hát Then trong các sự kiện quan trọng như Lễ hội hát Then toàn quốc tổ chức tại Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Hà Giang. Anh cũng đã tham gia diễn xướng tại triển lãm Đông Hồ, Hà Nội và nhiều nơi khác như Đà Lạt, Phú Yên. Các sự kiện, liên hoan này đã góp phần tôn vinh nghệ nhân, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái trong đời sống đương đại. Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và giới thiệu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Những Đóng Góp Của Nghệ Nhân Đinh Văn Thức

Anh Thức chia sẻ: “Phong trào Then ở Cao Bằng đang rất được quan tâm. Tôi vui vì được tỉnh mời đi dự Liên hoan Then toàn quốc. Đây là cơ hội để tôi gặp gỡ các đồng nghiệp đang hành nghề Then trên cả nước. Qua đó, chúng tôi học tập, trao đổi kinh nghiệm và quảng bá hát Then. Then đang được nhà nước quan tâm. Tôi không biết nói gì để cảm ơn, chỉ biết cố gắng hết sức để bảo tồn di sản này qua việc truyền dạy cho thế hệ sau.”

Nghệ nhân Đinh Văn Thức đã tổ chức các lớp học đào tạo hát Then cho học sinh. Anh mở lớp truyền dạy hát Then đàn Tính và hát dân ca tại nhà, học trò đến học đều hoàn toàn miễn phí. Anh đã đào tạo được nhiều học trò tiêu biểu, xuất sắc như: Nghệ nhân Đinh Dương Liễu, nghệ nhân Đinh Thanh Tuyết, Lương Thu Lan. Các học trò cùng chung sức giúp thầy bảo tồn và phát huy hát Then – đàn Tính và hát dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Anh nói: “Tôi rất mong cộng đồng nâng cao hơn nữa ý thức của mình trong việc bảo tồn và phát huy di sản Then của dân tộc. Bên cạnh đó, vai trò kết nối của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và đặc biệt là các kênh thông tin cũng rất quan trọng trong việc bảo tồn nghệ thuật hát Then. Đó chính là việc định hướng thị hiếu, thẩm mỹ âm nhạc thông qua các bài giảng, các chương trình văn hóa văn nghệ, các buổi sinh hoạt cộng đồng,… Việc đưa Then vào các trường THCS, THPT tại các địa phương là một trong những giải pháp rất hữu hiệu.”

Thế hệ trẻ cần phải bảo tồn và phát huy truyền thống của dân tộc

Những Thành Tích Đáng Kể

Với những hoạt động không biết mệt mỏi, nghệ nhân Đinh Văn Thức đã tham gia nhiều hội diễn toàn quốc như “Ngày hội văn hóa các dân tộc Đông Bắc” lần IV (năm 2004), liên hoan hát Then – Đàn Tính do Bộ Văn hóa tổ chức năm 2007, 2009, 2018. Các tiết mục anh tham gia đều đạt giải cao và được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin và Du lịch tặng bằng khen. Anh còn tham gia hội diễn của ngành Y tế và được Bộ Y tế tặng bằng khen với tiết mục đạt giải cao đơn tính Noọng Điếp ngành Y, bằng khen lao động giỏi năm 2008, 2009. Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm cho cán bộ y tế tiêu biểu xuất sắc. Anh còn được Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng 5 lần tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và hoạt động công đoàn và lao động giỏi. Năm 2009, anh được tặng kỷ niệm chương của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc vì đã có công với sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Nhờ sự tận tâm và nỗ lực của nghệ nhân Đinh Văn Thức trong việc nghiên cứu, sáng tác, đặt lời, sưu tầm và dịch sách, kho tài liệu về di sản Then của tỉnh Cao Bằng thêm phong phú và đa dạng. Anh còn rất tâm huyết trong việc truyền dạy và vận động cộng đồng người Tày, Nùng, Kinh cùng gìn giữ bản sắc dân tộc. Anh là tấm gương điển hình về giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để mọi người học tập và noi theo.

Bài viết liên quan
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Ý kiến độc giả
Inline Feedbacks
View all comments